Kỹ năng giúp học sinh "ăn điểm" khi viết đoạn văn nghị luận xã hội

27/03/2024 194

Theo các giáo viên, việc giúp học sinh định hướng rõ được nội dung đoạn văn nghị luận xã hội, qua đó kịp thời phát hiện và lấp đầy những lỗ hổng trong luyện đề chính là “bí quyết” giúp các em có thể tự tin bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10.

"Giới - Giải - Bàn - Rút"

Ngữ văn là môn học duy nhất vẫn giữ nguyên hình thức tự luận trong tất cả các kỳ thi tốt nghiệp. Trong đó, đoạn văn nghị luận xã hội là một trong những phần thi khó trong đề thi Ngữ văn. Nhiều học sinh rơi vào cảnh lo sợ, thậm chí không biết viết gì sau khi đọc đề văn nghị luận nên thường dễ đánh mất điểm ở phần này.

Thấu hiểu điều đó, mới đây, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình (Hà Nội) đã tổ chức chuyên đề chia sẻ kinh nghiệm ôn thi vào lớp 10 môn Ngữ văn năm học 2023-2024. Tại đây, nhiều ý kiến tham luận của giáo viên đã được bàn luận nhằm giúp học sinh xây dựng chiến thuật, rèn kỹ năng viết đoạn văn nghị luận xã hội hiệu quả để đạt kết quả tốt nhất, biến đoạn văn nghị luận xã hội trở thành phần “ăn điểm” trong kỳ thi tuyển sinh.

“Bí kíp” giúp học sinh đạt điểm 8+ môn Ngữ văn trong kỳ thi vào tuyển sinh vào 10

Cô Phạm Thị Quỳnh Duyên - Trường THCS Ba Đình

Với nhiều năm kinh nghiệm trong giảng dạy, cô Phạm Thị Quỳnh Duyên - giáo viên môn Ngữ văn Trường THCS Ba Đình cho biết, đề văn nghị luận xã hội về vấn đề tư tưởng đạo lý luôn được thành phố Hà Nội ưu tiên lựa chọn trong những năm gần đây. Vì vậy, học sinh cần lưu lại một một số chú ý.

Thứ nhất, học sinh cần định hướng được nội dung và hình thức tiếp cận dạng bài nghị luận về một vấn đề tư tưởng đạo lý.

Thứ hai, học sinh cũng cần “bỏ túi” 4 từ khóa xuyên suốt mạch bài: “Giới – giải – bàn – rút”, trong đó, Giới - Giới thiệu vấn đề nghị luận; Giải - Giải thích vấn đề nghị luận; Bàn - Bàn luận đã chiều bằng lí lẽ, dẫn chứng (phản đề, mở rộng); Rút - Rút ra bài học nhận thức, hành động.

“Bí kíp” giúp học sinh đạt điểm 8+ môn Ngữ văn trong kỳ thi vào tuyển sinh vào 10

Cô Nguyễn Phương Thanh - Trường THCS Giảng Võ

Cô Nguyễn Phương Thanh, giáo viên Ngữ văn Trường THCS Giảng Võ cũng có những lưu ý cho học sinh khi viết đoạn văn nghị luận về các tác phẩm thơ hiện đại Việt Nam.

Theo đó, học sinh cần tránh mắc lỗi diễn xuôi thơ. Trong bài nghị luận văn học về thơ, tuyệt đối không được thiếu dẫn chứng (không trích thơ), thiếu trau chuốt trong việc dùng từ ngữ (còn dùng văn nói).

Bên cạnh đó, khi học sinh đã gọi tên được yếu tố nghệ thuật thì cần khai thác được hết giá trị ý nghĩa, có thêm sự mở rộng, đối sánh, nâng cao, cần có sự liên kết, uyển chuyển trong đoạn văn của mình. Dung lượng cho một bài viết nghị luận xã hội khoảng 200 chữ, thời gian làm bài chỉ nên 20-25 phút.

“Bí kíp” giúp học sinh đạt điểm 8+ môn Ngữ văn trong kỳ thi vào tuyển sinh vào 10

Các đại biểu tham gia buổi chuyên đề

Chú trọng phương pháp phân loại học sinh

Theo chia sẻ của cô Nguyễn Thị Thanh Thủy - Giáo viên Trường THCS Nguyễn Trãi, để giúp học sinh ôn thi hiệu quả, việc làm tốt công tác phân loại học sinh, sau đó, tìm ra phương pháp phân loại học tập là rất quan trọng.

Để làm tốt công tác phân loại, thầy cô sẽ tiến hành phân loại theo quy trình: Thống kê; kiểm tra - đánh giá; xây dựng nội dung ôn tập; phối hợp với học sinh, phụ huynh.

“Bí kíp” giúp học sinh đạt điểm 8+ môn Ngữ văn trong kỳ thi vào tuyển sinh vào 10

Cô Nguyễn Thị Thanh Thủy - Giáo viên Trường THCS Nguyễn Trãi

Thêm vào đó, giáo viên phải chủ động thường xuyên kiểm tra lý thuyết, kỹ năng thực hành của học sinh. Từ đó điều chỉnh nội dung ôn tập phù hợp, giúp cho học sinh tiến bộ.

Để quá trình ôn luyện hiệu quả, giáo viên nên ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo sự hứng thú trong học tập cho học sinh. Nhà trường cần phối hợp với gia đình để phụ huynh nắm bắt được lực học của con em mình, phối hợp cùng giáo viên chủ nhiệm, nhà trường để có định hướng học tập phù hợp.

Ngoài ra, giáo viên đại diện Trường THCS Thống Nhất cũng đưa ra chia sẻ về các nguồn tham khảo mà theo cô, học sinh có thể sử dụng làm dẫn chứng khi viết đoạn văn nghị luận xã hội.

"Học sinh có thể lấy dẫn chứng từ các nguồn chính thống như các trang báo, chương trình thời sự, đài truyền hình, trang web liên quan đến văn học…dẫn chứng đưa ra phải chính xác, tiêu biểu, có tính cập nhật, không lan man, được lấy trong thực tế cùng số liệu thống kê thuyết phục, hạn chế dẫn chứng văn học", đại diện trường THCS Thống Nhất nói.


Tác giả: Quỳnh Giang
Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 5/5 trong đánh giá
Chia sẻ:
Copyright © . Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình