Khơi gợi cho học sinh tình yêu, ý thức giữ gìn văn hóa truyền thống

08/09/2020 632

Vài năm trước, tôi may mắn được tặng 100 vé mời xem vở diễn về Bác Hồ và đại tướng Võ Nguyên Giáp ở nhà hát chèo thành phố. Lớp có 50 học sinh, vậy là đủ vé mời cho cả phụ huynh đưa con đến xem. Nghe nói đến xem chèo thì học sinh không hào hứng bằng xem phim nhưng khi từ nhà hát chèo bước ra, ai cũng xuýt xoa khen hay, xúc động

Nhìn các học trò say sưa tập nhảy, những động tác đều, khỏe khoắn toát lên vẻ hiện đại, sự năng động trẻ trung tôi thấy các con đáng yêu quá! Ngày xưa, cũng thời học sinh như các con, thế hệ của chúng tôi lại say sưa với các trò chơi dân gian như ẩn nấp trốn tìm, bịt mắt bắt dê, chơi chuyền, mèo đuổi chuột, nhảy dây, nhảy nụ, nhảy cừu, có khi là hát đồng ca hoặc diễn kịch, kể chuyện cười …chúng tôi có một tuổi thơ với lời ru, câu hát, những câu chuyện dân gian mà bà và mẹ kể cho nghe trong ngày hè hay sau những bữa cơm tối…những lời nói hàng ngày với vô vàn thành ngữ, tục ngữ, ca dao rất tự nhiên bình dị,  lắng nghe những vở chèo cổ hay cải lương rồi hát theo vài điệu …. Những thứ đó bây giờ trở nên xa lạ với các bạn trẻ, giữa cuộc sống sôi động. Ai cũng dễ dàng nhận thấy các bạn trẻ rất tài giỏi, thích nghi rất nhanh với nhạc Hàn, nhạc Âu Mỹ, rap không kém gì ca sĩ nổi tiếng, beatbox rất diệu nghệ, những điệu nhảy điêu luyện làm ngả nghiêng , say đắm bao fans…rất đúng xu hướng, rất cá tính và khác biệt. Điều đó cũng rất cần, rất đáng “đầu tư”. Tôi còn nhớ, cách đây khoảng hơn chục năm, có một nhóm học sinh tập nhảy hip hop ở hành lang cạnh cầu thang, nhìn thấy một thầy giáo già có vẻ nghiêm khắc đi lên là vội vàng dừng lại, sợ hãi mặc dù thầy chỉ mỉm cười và dặn trò tập cẩn thận. Dần dần, hầu như không học sinh nào là không biết nhảy hiện đại, sinh hoạt dưới cờ, thi văn nghệ, thì nhảy vẫn là lựa chọn số 1.Ngày một  ít hơn  những vở diễn về lịch sử , càng thêm vắng bóng  sân khấu dân gian. Cùng với thị hiếu chung của xã hội đã thay đổi thì  sân khấu truyền thống càng thiếu người xem. Phảng phất nỗi buồn của người nghệ sĩ gắn bó với sân khấu chèo, tuồng, cải lương, quan họ, ca trù…giống như nỗi buồn của ông đồ viết chữ nho thất thế năm xưa. Chỉ còn niềm đam mê lớn hơn tất cả níu kéo họ lại với nghề…

      Vài năm trước, tôi may mắn được tặng 100 vé mời xem vở diễn về Bác Hồ và đại tướng Võ Nguyên Giáp ở nhà hát chèo thành phố. Lớp có 50 học sinh, vậy là đủ vé mời cho cả phụ huynh đưa con đến xem. Nghe nói đến xem chèo thì học sinh không hào hứng bằng xem phim nhưng khi từ nhà hát chèo bước ra, ai cũng xuýt xoa khen hay, xúc động, khen nghệ sĩ tài năng và diễn xuất rất truyền cảm. Có lẽ các nghệ sĩ đau đáu với nghề cũng đã cải biên những điệu chèo cổ cho hợp với khán giả, để họ dễ chấp nhận. Tôi thấy trong trường có một cô giáo nhiều tuổi, rất nhiệt tình quảng bá, kêu gọi mọi người mua vé ủng hộ cho nhà hát chèo nhưng  được hưởng ứng lúc đầu rồi sau cũng thưa thớt dần. Thế hệ trẻ đã lạnh nhạt với văn hóa truyền thống, không còn vây kín xung quanh ao làng xem múa rối nước hay náo nức làm đèn kéo quân, đèn ông sao, diều giấy như ngày xưa nữa…Cũng khó trách được họ khi nhịp sống cứ hối hả, vội vàng, phải thích nghi với tác phong công nghiệp.

     Cho đến một ngày, khi dạy bài  “Quan Âm Thị Kính” trích đoạn “ Nỗi oan hại chồng”, tôi cố gắng chuẩn bị rất kỹ lưỡng, minh họa sinh động trích đoạn chèo đó. Học sinh cũng lắng nghe, cũng hiểu  nhưng sau đó có nói một câu hồn nhiên nhưng rất thật lòng: “ Cô ơi, đây là một thứ nghệ thuật không thể bảo tồn”. Tôi hỏi “Vì sao?”. Con nói: “vì nghe thì cứ thấy í i…í i… thế nào ấy”. Tôi cười, cảm thông với các con. Rồi câu nói ấy cứ quấn lấy tâm trí tôi, khiến tôi muốn làm một điều gì đó để thay đổi suy nghĩ của học trò. Và cơ duyên cũng đến. Qua một phụ huynh công tác ở nhạc viện Hà Nội, tôi được làm quen với một cô nghệ sĩ của nhà hát chèo trung ương, quê Thái Bình cùng tôi.Thế là tôi đưa cô đến với các con. Lúc đầu, các con còn e dè, chưa thích tham gia. Nhưng giống như một làn gió mới, bằng chất giọng rất ngọt mà sắc, bằng hai kịch bản mang hai nội dung khác nhau (“Nỗi oan hại chồng” , “Việc làng” ), bằng sự kiên trì khích lệ, cô đã khiến học trò của tôi thích thú, say sưa tập luyện. Lúc thử trang phục, tôi và phụ huynh không nhịn được cười khi các con đi guốc gỗ, cầm đạo cụ sắp diễn mà còn tranh thủ chạy ra sân đuổi nhau, cười đùa gọi mãi mới vào. Vậy, tập xong rồi thì diễn ở đâu đây? Và thế là tôi nảy ra ý nghĩ sẽ dạy một tiết “ ngoại khóa văn học dân gian” để có khán giả là các thầy cô và các bạn xem. Quá bất ngờ, quá thành công vì các con không chỉ hóa thân thể hiện cảm xúc của nhân vật mà còn hát được các đoạn chèo, nhớ được các lời thoại toàn thành ngữ cổ . Các con còn rất vui vì được cha mẹ đến xem, quay clip, tặng hoa, quà. Còn có thêm nhiều vị khách không mời như cô hiệu trưởng, cô chủ tịch công đoàn, các bác lao công, nhân viên y tế, thư viện, thầy cô giáo dạy thể dục, dạy nhạc …thấy vui vui thì ghé vào xem và cổ vũ. Tình cảm, sự quan tâm đó càng làm cho các con có thêm cảm hứng và diễn hay hơn. Rồi cô giáo dạy hát chèo lên chia sẻ về nét đặc sắc của nghệ thuật chèo, cô hát những câu chèo rất hay, nhắn nhủ với các con đó là vốn quí , là bản sắc riêng của dân tộc ta mà không đâu có, rất được coi trọng khi giao lưu văn hóa quốc tế. Tôi, khi đó cũng cao hứng hát vài câu trong trích đoạn “ Thị Mầu lên chùa” ( đoạn này cả lớp văn K37 khoa ngữ văn ĐHSP của tôi ai cũng thuộc và cứ đến hội lớp là hát đồng thanh rất vui ).Tôi  còn định mời cô hiệu trưởng cùng các giáo viên tổ văn trải nghiệm văn hóa chèo cùng nghệ sĩ thì tiếng trống không mong đợi đã vang lên. Tiết học khép lại trong không khí  thật vui vẻ, các con hớn hở, phụ huynh cười tươi, các cô đi từ ngạc nhiên này đến bất ngờ khác. Cũng từ đó học sinh của tôi thích chèo, có cháu còn xin theo phụ giúp cô nghệ sĩ đó trong các buổi dạy của cô. Cô khen một cháu trai có tố chất đặc biệt vì đóng được cả hai vai Thị Kính và Thị Mầu, hát hay, múa dẻo…Còn bạn đóng vai Mẹ Đốp thì không thể có ai thay được. Các vai diễn khác như Thiện Sĩ, Sùng bà, Sùng ông, ông Hương, Lý trưởng…đều rất đạt. Sau đó “Thị Mầu” còn viết kịch bản và cùng các bạn tập vở kịch “ Lá cờ thêu sáu chữ vàng” diễn trong buổi sinh hoạt dưới cờ, hoặc diễn các vở từ chuyện cổ tích như “ Tấm Cám”, “ Sơn Tinh Thủy Tinh”… Và giờ đây, đang hào hứng với dự định tái hiện cảnh chị em Thúy Kiều đi chơi xuân trong “ Truyện Kiều” của Nguyễn Du với những câu ngâm Kiều của ông cha thửa trước.

     Cứ từ từ, từng bước,từng bước cùng với sự giúp sức của các nghệ sĩ chuyên nghiệp, sự hiểu biết và ủng hộ hết lòng của phụ huynh, sự ngợi khen động viên của ban giám hiệu, của các thầy cô giáo, cùng với khả năng đáng ngạc nhiên của học trò…các con đã yêu nghệ thuật truyền thống từ lúc nào không hay. Thêm nữa, chính lễ hội văn hóa dân gian của trường THCS Thăng Long dịp tết nguyên đán hàng năm cũng là một chất xúc tác cho học sinh được trở về mạch nguồn văn hóa dân tộc.

     Tôi chợt nhớ tới lời bài hát “ Lời Bác dặn trước lúc đi xa” của cố nhạc sĩ Trần Hoàn: “ rằng đã yêu Tổ Quốc mình, càng  yêu tha thiết… những khúc hát dân ca”.

     Vậy nên, các học trò yêu quí, các con hãy cứ nhảy hiện đại, hãy cứ hát nhạc nước ngoài …nhưng đừng quên những câu quan họ trao duyên, những câu ca Huế ngọt ngào, hãy trân trọng những làn điệu chèo, cải lương, tuồng cổ, những lời hát ru…như trân trọng đất nước, ông cha, tổ tiên mình bao đời!

Trích đoạn "Việc Làng" trong vở chèo " Quan Âm Thị Kính"

 

https://www.youtube.com/watch?time_continue=2&v=9Z81OoFnBvo&feature=emb_logo

Trích đoạn  "Nỗi oan hại chồng"

https://www.youtube.com/watch?v=M1eyguE4dPE&feature=youtu.be

    Và cũng vì vậy, cùng với quê hương - chiếc nôi văn hóa dân gian, các thầy cô và nhà trường cũng  là mảnh đất nuôi dưỡng  tình yêu đối với nghệ thuật truyền thống, giáo dục học sinh ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình hội nhập và phát triển của đất nước.

 

                           Trần Thị Oanh - giáo viên tổ Văn - Sử trường THCS Thăng Long


Tác giả: Trần Thị Oanh

Tác giả:
Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 0/5 trong đánh giá
Chia sẻ:
Copyright © . Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình