Một số kinh nghiệm" đẩy mạnh chuyển đổi số" góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý giáo dục tại các trường học trên địa bàn Quận Ba Đình của Trưởng phòng GD&ĐT Quận Ba Đình

11/01/2023 923

THAM LUẬN
Một số kinh nghiệm “đẩy mạnh chuyển đổi số” góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý giáo dục tại các trường học trên địa quận Ba Đình

Kính thưa các đ/c lãnh đạo!

Kính thưa các quý vị đại biểu!

Thưa toàn thể hội nghị!

Được sự phân công của Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, sau đây thay mặt Ngành Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình, tôi xin trình bày tham luận về “Một số kinh nghiệm “đẩy mạnh chuyển đổi số” góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý giáo dục tại các trường học quận Ba Đình”.

Kính thưa Hội nghị!

Ngày 19/8/2022, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã chỉ đạo phải “Đẩy mạnh chuyển đổi số”. Đây là một trong 12 nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ trưởng yêu cầu toàn ngành tập trung thực hiện trong năm học 2022-2023[1].

Ngày 19/12/2022, phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm 2022 của Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã khẳng định rõ về lộ trình thực hiện Chuyển đổi số: “Năm 2020 là năm khởi động chuyển đổi số; Năm 2021 là năm tổng diễn tập chuyển đổi số; Năm 2022 là năm tổng tiến công chuyển đổi số và Năm 2023 sẽ là năm chuyển đổi số đem lại những hiệu quả và giá trị thực chất”[2].

Căn cứ vào chỉ đạo của các Bộ trưởng, của Thành phố, Sở GDĐT và quận Ba Đình, chúng tôi xác định Giáo dục Ba Đình đã và đang đi đúng hướng, đặc biệt nhất quán và tâm đắc với quan điểm “Năm 2021 là năm tổng diễn tập chuyển đổi số; Năm 2022 là năm tổng tiến công chuyển đổi số và Năm 2023 sẽ là năm chuyển đổi số đem lại những hiệu quả và giá trị thực chất”.

Với quan điểm trên, năm 2021, giáo dục Ba Đình nói riêng và Thủ đô nói chung triển khai tổng diễn tập thực hiện Chuyển đổi số trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, phải áp dụng nhiều biện pháp chống dịch chưa có tiền lệ với quy mô lớn (nhiều trường học tạm dừng việc học, việc dạy học phải chuyển trạng thái từ trực tiếp lên trực tuyến...) và cũng chưa bao giờ cụm từ “linh hoạt, thích ứng” lại được nhắc đến nhiều như thế; Ngành Giáo dục quận Ba Đình đã chủ động, tích cực triển khai một số nội dung rất nổi bật, đáng ghi nhận; trong đó trọng tâm là kịp thời tham mưu UBND quận ban hành Đề án về ứng dụng CNTT và chuyển đổi số cho toàn ngành giáo dục giai đoạn 2021-2025 để làm kim chỉ nam, định hướng thực hiện trong toàn nhiệm kỳ. Từ khi đề án được ban hành, việc đầu tư CSVC về CNTT, việc bổ sung nâng cấp gần 20 phần mềm (hỗ trợ trong công tác quản lý, tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá), việc bồi dưỡng, tập huấn được gần 85 chuyên đề từ cấp trường, cụm trường, cấp quận đến tham dự Hội nghị, diễn đàn về chuyển đổi số tại các cấp cao hơn đã được thực hiện hiệu quả.

Năm 2022, đặc biệt từ tháng 4/2022 khi tình hình dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, học sinh được quay trở lại trường học. Cùng với sự chuẩn bị “tổng diễn tập” từ năm học trước; năng lực CNTT của đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục được tăng cường. Trên cơ sở đó, phòng GDĐT quận đã xác định rõ hướng đi tiếp theo là: tập trung chỉ đạo bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao năng lực số cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên diện quy hoạch bởi xác định đây là lực lượng “nòng cốt” quan trọng nhất, coi là “then chốt của then chốt” để thúc đẩy số trong toàn Ngành sớm “đem lại những giá trị thực chất”. Đồng thời, đẩy mạnh giao quyền chủ động cho các nhà trường nhằm tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số trong công tác quản lý, tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá. Qua thực tế triển khai, chúng tôi đã có những kinh nghiệm rõ nét trong việc “đẩy mạnh chuyển đổi số” trong toàn ngành, cụ thể:

I. Kinh nghiệm trong việc chuẩn bị kỹ năng, năng lực CNTT cho đội ngũ CBQL và cán bộ diện quy hoạch góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành tại các trường học trên địa quận

Ngành Giáo dục quận Ba Đình đã phối hợp chặt chẽ với đơn vị cung ứng phần mềm tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, giáo viên và nhân viên nhà trường đảm bảo thực hiện tốt vai trò quản trị và sử dụng khai thác triệt để, hiệu quả các phần mềm ứng dụng, hỗ trợ công tác quản lý, điều hành, dạy và học và các hoạt động liên quan khác.

1. Xây dựng được “bộ nhớ dùng chung” với (đặc tính) bộ nhớ không giới hạn, phân 6 quyền gồm(1) người quản lý, (2) người quản lý nội dung, (3) người đóng góp, (4) người nhận xét, (5) người xem, (6) người không được tiếp cận. Với bộ nhớ dùng chung, tất cả cá cá nhân, tập thể, theo quyền hạn, trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ được truy cập và khai thác đáp ứng được tất cả các yêu cầu quản lí tại Phòng, các trường học của quận.

2. Trang cấp 01 tài khoản thư điện tử định danh tên miền @badinhedu.vn bị cho mỗi cán bộ quản lý và 100% giáo viên, nhân viên trong toàn ngành Giáo dục quận Ba Đình với dung lượng bộ nhớ không giới hạn, đồng bộ liên thông tới hệ sinh thái/không gian làm việc Google dành riêng cho lĩnh vực giáo dục (email, bộ nhớ dùng chung, hệ thống danh bạ, lớp học Google, tài liệu trực tuyến, trang tính trực tuyến, biểu mẫu trực tuyến…)

3. Xây dựng được “lịch công tác trực tuyến” cũng được phân 6 quyền. Với lịch này, mỗi thành viên đều được quyền xem hoặc điều chỉnh theo thực tế công việc… Mỗi việc làm xong được chuyên viên tự đánh giá hoàn thành. Cuối tuần được lãnh đạo xác nhận, xuất báo cáo, ký ban hành báo cáo tuần và trọng tâm tuần tiếp theo, ký gửi Sở, Quận, các CSGD trên địa bàn.

4. Thiết lập các nhóm đối tượng “tác nghiệp” trên Danh bạ thông thường như HĐSP, Chi bộ, các Tổ chuyên môn, các tổ chức đoàn thể… trong Danh bạ, kết nối liên thông với tài khoản thư điện tử công vụ thuận lợi cho trao đổi, điều hành. Đồng thời triển khai theo “luồng” một cách khoa học, hiệu quả, dễ quản lí.

5. Thiết lập các “nhãn” theo phân cấp (từ tổng quát đến cụ thể) trong hòm thư điện tử tiện lưu trữ, tìm kiếm, chỉ đạo, điều hành… thuận lợi cho việc triển khai công việc theo “luồng”, giúp nâng cao hiệu suất, hiệu quả điều hành, tác nghiệp, lưu trữ bất kể thời gian cách xa giữa 2 lần truy cập và khối lượng công việc lớn, số lượng công việc nhiều.

6. Với bộ nhớ dùng chung, dễ dàng lưu trữ các mẫu báo cáo, tờ trình, kế hoạch, quyết định, công văn… thuận lợi cho việc xây dựng văn bản đảm chất lượng nội dung và thể thức văn bản. Đặc biệt tập huấn cho CBQL, GV cốt cán việc soạn, tái sử dụng, duyệt, truy xuất… các văn bản này để góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành nâng lên một tầm mức mới.

II. Kinh nghiệm trong việc chuẩn bị CSVC nhằm đáp ứng yêu cầu về hạ tầng CNTT thực hiện nhiệm vụ Chuyển đổi số

Theo lộ trình của Đề án ứng dụng CNTT và chuyển đổi số cho toàn ngành giáo dục nêu trên. Ngay từ đầu năm 2021, phòng GDĐT Ba Đình đã chủ động thực hiện công tác khảo sát, đánh giá thực trạng hạ tầng CNTT; đồng thời, định hướng và hướng dẫn một số trường chủ động nâng cấp trang thiết bị CNTT; mạng nội bộ (LAN); hệ thống mạng không dây (WIFI); nâng cấp gói cước thuê bao internet băng thông rộng kết hợp với cân bằng đường truyền tải; phủ sóng internet đến từng lớp học, phòng học chức năng đảm bảo tốc độ đường truyền ổn định phục vụ công tác quản lý, tổ chức dạy học phù hợp với các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể về hạ tầng CNTT của Đề án

Phòng GDĐT Ba Đình cũng đã tham mưu, đề xuất và được UBND quận chấp thuận, đồng ý về nguyên tắc: trang bị bổ sung thiết bị, máy tính và các cơ sở vật chất liên quan đến hạ tầng CNTT đối với các dự án đầu tư xây dựng trường học theo 03 nhóm:

+ Nhóm 1: Ưu tiên thực hiện trước đối với nhóm các trường đã cải tạo, sửa chữa, xây dựng xong.

+ Nhóm 2: Bổ sung kinh phí mua sắm máy tính và nâng cấp hạ tầng CNTT vào nhóm các dự án đầu tư xây dựng trường học đang ở giai đoạn thực hiện đầu tư.

+ Nhóm 3: Rà soát, đề xuất kinh phí mua sắm máy tính và nâng cấp hạ tầng CNTT vào nhóm các dự án đầu tư xây dựng trường học đang ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư.

Việc này đã giúp các nhà trường hoàn toàn chủ động khi được giao quyền thực hiện thúc đẩy Chuyển đổi số; hạn chế tối đa được những bất cập, vướng mắc về hạ tầng CNTT khi triển khai các phần mềm ứng dụng, hỗ trợ cho giáo dục.

Kính thưa Hội nghị!

Xác định được mục tiêu, đối tượng, nội dung trọng tâm về công tác chuyển đổi số trong toàn ngành. Với những kinh nghiệm đã trình bày, Giáo dục Ba Đình đã có những kết quả thuận lợi, tạo đà tiếp tục tổng tiến công phát huy hiệu quả và thu được những kết quả, giá trị thực chất.

Trên đây, tôi vừa trình bày xong nội dung tham luận về một số kinh nghiệm “đẩy mạnh chuyển đổi số” góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành tại các trường học trên địa bàn quận Ba Đình. Xin trân trọng cảm ơn các đồng chí đã chú ý lắng nghe.

Nhân dịp năm mới 2023 và Xuân Quý Mão đang đến gần, thay mặt ngành giáo dục Ba Đình, tôi xin gửi lời chúc đến các đồng chí lãnh đạo Sở GDĐT, các đồng chí Lãnh đạo các phòng GDĐT quận, huyện; các đồng chí Ban Giám hiệu, cán bộ quản lý nhà trường và toàn thể anh, chị, em giáo viên lời chúc đầu xuân. Kính chúc các đồng chí và toàn gia Mạnh khỏe – Bình An – Gia đình An khang – Thịnh vượng.

Xin trân trọng cảm ơn./.

  1. Chỉ thị số 1112/CT-BGDĐT ngày 19/8/2022 của Bộ GDĐT về thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023

  2. “Năm 2023 là năm chuyển đổi số đem lại những giá trị thực chất” https://ictnews.vietnamnet.vn/nam-2023-la-nam-chuyen-doi-so-dem-lai-nhung-gia-tri-thuc-chat-5010560.html


Tác giả:
Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 0/5 trong đánh giá
Chia sẻ:
Copyright © . Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình