Tích cực triển khai thực hiện chương trình GDPT năm 2018 cấp THCS

13/08/2021 572

Sáng 12/8, Phòng GD&ĐT quận Ba Đình (TP Hà Nội) tổ chức Hội nghị tập huấn chuyên đề “chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 cấp THCS” bằng hình thức trực tuyến trước thềm năm học mới

Tham dự và chủ trì hội nghị tập huấn có GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên Chương trình Giáo dục Phổ thông (GDPT) năm 2018; ông Lê Đức Thuận - Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình (TP Hà Nội).

Hội nghị có sự tham gia của các Hiệu trưởng, lãnh đạo các trường và gần 1.000 cán bộ, GV, GV tại tất cả các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn quận Ba Đình.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên Chương trình GDPT năm 2018 tại Hội nghị tập huấn.

 

Yếu tố cơ sở vật chất, GV cốt cán

Thông tin tại hội nghị, Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình - Lê Đức Thuận cho biết, để đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho chương trình GDPT vào năm học 2021 - 2022, ngành Giáo dục quận đã và đang gấp rút mọi công việc nhằm thực hiện chương trình một cách hiệu quả.

Cụ thể, chương trình đổi mới GDPT được triển khai thực hiện thống nhất trên toàn quận theo đúng kế hoạch và lộ trình quy định tại Thông tư 32 (ngày 26/12/2018) của Bộ GD&ĐT.

Theo đó, từ năm học 2020 - 2021 thực hiện đối với lớp 1; năm học 2021 - 2022 thực hiện đối với lớp 2, lớp 6; từ năm học 2022 - 2023 thực hiện đối với lớp 3, lớp 7…

Ông Thuận cho biết, để triển khai chương trình GDPT, ngành GD&ĐT quận Ba Đình đã thực hiện nhiều hoạt động, kế hoạch tích cực như: Rà soát, sắp xếp lại các điểm trường để tập trung cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu dạy học; thực hiện đổi mới về chuyên môn, dạy học sinh theo hướng tiếp cận năng lực, phát huy khả năng tư duy, sáng tạo của HS.

Đồng thời, tăng cường tập huấn cho GV về chương trình GDPT mới và tập huấn về nghiệp vụ để nâng cao chất lượng dạy học. Bên cạnh đó, chỉ đạo các trường lựa chọn sách giáo khoa (SGK), đẩy mạnh tuyên truyền về công tác triển khai Chương trình GDPT mới trên địa bàn toàn quận... 

“Chương trình GDPT 2018 trước hết hướng dẫn Bộ GD&ĐT, sự quan tâm, chỉ đạo của Thành ủy, UBND Thành phố và sự ủng hộ, đồng tình của nhân dân, chính quyền quận Ba Đình về việc triển khai thực hiện chương trình GDPT 2018.

Đội ngũ cán bộ quản lý của phòng và giáo viên cốt cán được tiếp cận nhiều văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, được tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn về chương trình GDPT 2018.

Cô Ngô Thị Hòa, chuyên viên Phòng GDĐT quận Ba Đình tham gia lớp tập huấn

 

Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo chương trình giáo dục đổi mới phổ thông của quận cũng đã triển khai lồng ghép các chương trình, dự án nhằm đầu tư cả về vật chất cũng như nhân lực cho các trường học...”, ông Thuận bày tỏ. 

Bên cạnh những thuận lợi, đại diện Phòng GD&ĐT quận Ba Đình cũng cho biết, quá trình chuẩn bị triển khai chương trình GDPT 2018 cũng gặp một số khó khăn. Trong đó, phải kể đến khó khăn trong việc đầu tư cơ sở vật chất theo chương trình GDPT mới.

“Toàn quận Ba Đình hiện có 21 cơ sở giáo dục trung học với 21 điểm trường. Vì vậy, việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như bố trí các giáo viên chuyên biệt dạy các môn học như: Ngoại ngữ, Tin học, Thể dục cũng mang lại áp lực lớn và nhiều khó khăn cho ban lãnh đạo ngành giáo dục quận…”, ông Thuận chia sẻ. 

Tại Hội nghị, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết khẳng định, cơ sở vật chất là điều kiện cần thiết để thực hiện thành công chương trình.

“Qua rà soát cho thấy, cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu so với yêu cầu thực tiễn. Vì vậy, nhu cầu đầu tư xây dựng cơ sở vật chất là rất lớn, trong khi nguồn lực thì còn gặp nhiều hạn chế. Cùng với đó, công tác bổ sung biên chế giáo viên cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn quận để đáp ứng theo yêu cầu của chương trình GDPT 2018 cũng rất cấp thiết. Tuy nhiên, điều này lại gặp vướng mắc trước chủ trương tinh giản biên chế của nhà nước…”, GS.TS Thuyết bày tỏ.

Giải pháp căn cơ

Từ những thuận lợi cũng như khó khăn trên, vấn đề cần giải quyết cấp bách trước khi triển khai chương trình GDPT 2018 đối với quận Ba Đình hiện nay là đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất.

Ưu tiên bố trí, nâng cấp phòng học, xây dựng bổ sung các phòng học, phòng chức năng; đầu tư xây dựng phòng học thay thế cho các phòng học đã hết niên hạn sử dụng, xuống cấp. Mua sắm các trang thiết bị dạy học theo danh mục quy định của Bộ GD&ĐT. 

Về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cũng đã đưa ra một vài giải pháp như: xây dựng kế hoạch tăng dần phòng học, phòng công nghệ, thiết bị đồ dùng hàng năm; có thể “vay tiền mua thiết bị, trang bị phòng học” từ phụ huynh HS. Cùng với đó là một số giải pháp tình huống (dùng phòng học, phòng công nghệ tạm thời và mở thư viện ngoài trời, thư viện lưu động…)

Mặt khác, trước tình hình thực tế của ngành giáo dục quận Ba Đình, trong thời gian tới, cũng cần thực hiện đánh giá thực trạng các điểm trường, các trường có quy mô nhỏ để xây dựng lộ trình cụ thể, phù hợp để triển khai sắp xếp lại các trường trung học cơ sở. Tuy nhiên, việc sát nhập phải thực hiện trên nguyên tắc tạo thuận lợi cho người dân, đảm bảo quyền lợi học tập của HS. 

Song song với công tác chuẩn bị cơ sở vật chất thì công tác chuẩn bị về nhân lực cũng cần được chú trọng. Ngành Giáo dục quận Ba Đình đã và đang cân nhắc, lựa chọn những giáo viên tâm huyết, nhiệt tình để làm công tác dạy học từ năm học đầu tiên thực hiện đổi mới.

Cơ sở vật chất trường THCS Thăng Long (quận Ba Đình) sẵn sàng cho năm học mới.

 

Về phía phụ huynh HS, nhành giáo dục quận Ba Đình cũng đã phối hợp với các cơ quan báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho các cha, mẹ HS được biết về chương trình GDPT. Nhất là những điểm mới của chương trình để có tâm thế chủ động cho con bước vào năm học mới. Đồng thời, tuyên truyền, quán triệt sâu rộng đến cấp ủy, chính quyền địa phương và toàn xã hội về đổi mới chương trình GDPT để tạo đồng thuận và ủng hộ của các lực lượng xã hội. 

Tại hội nghị, công tác, nhiệm vụ về phòng chống dịch bệnh cũng được bàn luận, trao đổi. Theo GS. TS Thuyết, chìa khóa để đẩy lùi dịch bệnh trong trường học là thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế song song với công tác tiêm vắc-xin phòng, chống dịch Covid-19.

Cơ sở vật chất trường THCS Thăng Long (quận Ba Đình) sẵn sàng cho năm học mới.

 

Theo đó, một số giải pháp dạy học cũng đã được đưa ra nếu như có dịch bùng phát. Cụ thể, lớp học sẽ được chia nhỏ để đảm bảo khoảng cách, trên lớp, GV cũng sẽ tập trung giảng giải những nội dung chính, hạn chế những hoạt động không thiết yếu.

Trong trường hợp buộc phải nghỉ học, sẽ lại tổ chức học online nhưng cần tăng cường đánh giá thường xuyên, giảm tổ chức thi kết thúc học kỳ đối với 2 lớp đầu cấp và kéo dài học kì, năm học khi hết dịch để đảm bảo chương trình giảng dạy được hoàn thiện.

Đăng Chung



Tác giả:
Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 0/5 trong đánh giá
Chia sẻ:
Copyright © . Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình