Động lực nào để cô giáo mầm non gắn bó với nghề?

08/03/2024 423

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: "Làm mẫu giáo tức là thay mẹ dạy trẻ, muốn làm được thế thì trước hết phải yêu trẻ”, câu nói đó đã ăn sâu vào trong tiềm thức và trở thành nguồn động lực to lớn của cô giáo Nguyễn Thu Hiền (34 tuổi, giáo viên Trường Mầm non Sao Mai – Ba Đình – Hà Nội).

Cơ duyên với nghề giáo

Sau khi học và tốt nghiệp Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội, cô Hiền có cơ duyên và may mắn khi được về Trường Mầm non Sao Mai công tác từ tháng 1/2016. 8 năm gắn bó dưới mái trường cũng là 8 năm cô giáo Thu Hiền luôn làm việc hết mình, học hỏi và sáng tạo không ngừng.

Chia sẻ với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô về cơ duyên theo nghề nhà giáo, cô Hiền vui vẻ nói: “Trả lời câu hỏi này, tôi vẫn thường nói nó là “nghề gia truyền” của gia đình. Bởi, tôi rất may mắn khi được làm con dâu trong 1 gia đình có mẹ chồng làm giáo viên mầm non. Mẹ chồng tôi là một người hết sức tuyệt vời, những hình ảnh tuyệt vời nhất của người phụ nữ Việt Nam và của nghề giáo viên mầm non hiện hữu hết qua hình ảnh của bà. Chính bởi lý do đó đã là động lực để tôi chọn nghề nhà giáo”.

Động lực nào để giáo viên mầm non vững bước với nghề?
Cô giáo Nguyễn Thu Hiền luôn nhận được sự yêu thương từ học sinh của mình

Sự nghiệp “trồng người” để lại trong cô Hiền rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ, một trong số đó là hình ảnh của 1 bạn học sinh tên Tâm Như (tên thường gọi là Bông) do chính cô Hiền đang chăm sóc và dạy dỗ.

Dưới lời kể của cô Hiền, Bông kém may mắn hơn các bạn cùng trang lứa, con gặp 1 chút khiếm khuyết về đôi mắt khiến khả năng nhìn của con bị hạn chế, không được như các bạn. Khi mới nhận Bông, cô bé rất rụt rẻ và nhút nhát, bó mình lại, ít có sự chủ động tương tác cùng cô và các bạn.

“Bản thân là giáo viên nhận Bông tôi luôn trăn trở để làm sao cho Bông được hòa nhập, vui chơi, thể hiện mình như những bạn khác”, cô Hiền nhớ lại thời điểm đó.

Động lực nào để giáo viên mầm non vững bước với nghề?
Dưới sự dìu dắt của cô Hiền, học sinh tới lớp luôn nâhnj được sự quan tâm và tình yêu thương vô bờ

Những ngày đầu tiên, Bông bật chế độ “thăm dò” với cô, nhưng bằng sự tận tình, quan tâm của một người giáo viên dành cho cô học trò nhỏ qua những việc làm hằng ngày như hướng dẫn, chỉ bảo, tâm sự, trao đổi, gắn kết… Đến thời điểm hiện tại, từ một đứa trẻ nhút nhát, Bông đã hoàn toàn tự tin, mạnh dạn, chủ động trong tất cả các hoạt động và giao tiếp với mọi người xung quanh.

Chia sẻ về cô giáo Thu Hiền, cô Nguyễn Thị Thanh Hương - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Cô giáo Thu Hiền là một trong những giáo viên thông minh, nhanh nhẹn, giàu nhiệt huyết, sẵn lòng giúp đỡ mọi người và luôn đi đầu trong mọi hoạt động của Nhà trường.

Với nhiệt huyết của tuổi trẻ cùng lòng yêu nghề, yêu trẻ, khao khát được cống hiến, được dạy dỗ, uốn nắn những “Mầm non của Đảng”, cô đã luôn miệt mài trăn trở với nghề, không ngừng học hỏi, tìm tòi và vận dụng sáng tạo những phương pháp dạy học để phù hợp với từng học sinh để học sinh nào cũng tiến bộ lên từng ngày”.

Động lực nào để giáo viên mầm non vững bước với nghề?
Cô Hiền luôn tâm huyết, trăn trở làm sao để học trò phát huy được tính tích cực, năng động, sáng tạo của bản thân

Với lòng yêu nghề mến trẻ, khả năng chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, cô Hiền luôn thấu hiểu tâm lý con trẻ ở từng độ tuổi khác nhau, từ đó có các biện pháp để dạy dỗ, động viên, khích lệ trẻ tiến bộ, phát huy được tính tích cực, năng động sáng tạo ở trẻ.

Nhẹ nhàng trong cách dạy bảo trẻ và dày dặn kinh nghiệm trên hành trình "trồng người" là lý do để cô Hiền nhận được sự tin tưởng từ Ban Giám hiệu nhà trường, đồng thời là sự yêu mến, kính trọng từ đồng nghiệp.

Tôn chỉ “Yêu trẻ bằng cả trái tim

Với tôn chỉ đó, cô giáo Nguyễn Thu Hiền luôn nỗ lực, cố gắng và không ngừng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, tìm tòi, áp dụng những phương pháp mới, những kinh nghiệm hay vào dạy trẻ.

Ðể thực hiện tốt nhiệm vụ "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm", cô Hiền đã chủ động nghiên cứu, xây dựng môi trường giáo dục cho trẻ trong trường học bằng cách bố trí, sắp xếp các khu vực chơi, hoạt động trong lớp và ngoài trời phù hợp với chủ đề, thuận tiện cho việc sử dụng.

Động lực nào để giáo viên mầm non vững bước với nghề?
Cô Hiền luôn tỉ mẩn, cẩn thận hỗ trợ học trò trong hành trình đặt những nét bút đầu tiên

“Theo tôi làm nghề gì cũng vậy, luôn phải đặt cái tâm của mình vào công việc thì mới hết lòng với nó được. Nghề của tôi còn hay được ví von là “nghề kỹ sư nuôi dưỡng tâm hồn”, quả đúng là vậy, chúng tôi là người đặt những viên gạch đầu tiên, những nét bút đầu tiên trên trang giấy trắng để hình thành nhân cách cho trẻ.

Là giáo viên mầm non, tôi luôn lấy tôn chỉ trong nghề của mình đó là “Yêu trẻ bằng cả trái tim”. Với tôn chỉ đó, mỗi ngày đi làm đối với tôi là 1 ngày tràn đầy năng lượng và tình yêu, mọi người nói “trẻ con thì không biết gì đâu” nhưng có tiếp xúc với trẻ hàng ngày mới thấy “trẻ con cái gì cũng biết”. Tôi luôn đặt mình là 1 người bạn với trẻ, luôn lắng nghe mọi nhu cầu của trẻ (đến ung cả đầu) chỉ để phân tích, giảng giải, giảng hòa… cho các con”, cô Hiền chia sẻ.

Ghé thăm căn phòng nơi cô Hiền đang đứng lớp, PV không khỏi bất ngờ khi tiết học ở đây luôn cuốn hút những đứa trẻ chăm chú lắng nghe, thích thú trao đổi, xung phong, phát huy tính sáng tạo của mình. Bởi trong suốt quá trình đứng lớp, với sự tâm huyết, khả năng sáng tạo không ngừng cùng tinh thần tự học, niềm đam mê trong lĩnh vực nghệ thuật, cô giáo Nguyễn Thu Hiền đã lựa chọn phương pháp giảng dạy kết hợp với nghệ thuật để cho trẻ thoả sức sáng tạo, thể hiện bản thân và trau dồi những cảm xúc tích cực cho trẻ.

Thông qua các hoạt động tạo hình cô Hiền mang đến cho trẻ, trẻ được khuyến khích khả năng sáng tạo, nâng cao kỹ năng tư duy hình tượng giúp trẻ bộc lộ cảm xúc cũng như cảm nhận được sự phong phú và đẹp đẽ của thế giới xung quanh.

“Tôi đã cho trẻ tiếp cận những tuyệt tác của các họa sĩ nổi tiếng thế giới như Picasso, Van Gogh, Kandinsky, Claude Monet… Qua đó, mang đến cho trẻ một cách tiếp xúc nghệ thuật hoàn toàn mới, giúp trẻ vượt qua kiến thức trong khuôn khổ sách vở. Các con sẽ dần dần được tìm hiểu các thông tin cơ bản của các hoạ sĩ như nơi sinh, phong cách, một số tác phẩm nổi tiếng. Xuyên suốt quá trình, tôi và phụ huynh trực tiếp đồng hành cùng con trong khâu tìm hiểu, đơn giản hoá kiến thức…”, người giáo viên nhiệt huyết cho hay.

Động lực nào để giáo viên mầm non vững bước với nghề?
Học sinh bày tỏ sự hào hứng trong mỗi giờ học cùng cô Thu Hiền

Cụ thể, với bức tranh chân dung của Picasso, các bạn lớp mẫu giáo bé được đơn giản hóa bằng cách ghép các bộ phận trên khuôn mặt từ nhiều mảnh ghép cắt rời để tạo thành một bức tranh chân dung hoàn chỉnh. Còn lớp mẫu giáo lớn, trẻ trực tiếp được sáng tạo tranh chân dung từ chất liệu đất sét.

Tương tự, đối với danh họa Kandinsky, lớp mẫu giáo bé sẽ xếp chồng những nắp chai, lọ, hộp… có dạng hình tròn và kích cỡ khác nhau thành họa tiết trang trí. Các anh chị ở lớp mẫu giáo lớn tiến hành tô màu những hoạ tiết hình tròn và cắt, ghép lại thành tác phẩm hoàn chỉnh.

Qua những bài giảng nghệ thuật sáng tạo, cô Hiền nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía đồng nghiệp trong trường và các bậc cha mẹ phụ huynh; Xây dựng cho trẻ sự thích thú, niềm vui mỗi ngày tới lớp, đồng thời, tha hồ thỏa sức sáng tạo trên những kỹ năng trẻ đã thuần thục.

Cũng với chính đề tài này đã giúp cô Hiền trở thành giáo viên đại diện cho Trường Mầm non Sao Mai tham gia Hội thi Giáo viên giỏi cấp quận và đạt giải Xuất sắc, đồng thời được đạt giải Xuất sắc trong cuộc thi Nhà giáo Ba Đình tâm huyết sáng tạo lần thứ 7, trở thành đại diện cấp Mầm non quận Ba Đình tham gia Hội thi Giáo viên giỏi cấp Thành phố.

“Những thành tích tôi đạt được không chỉ có được do sự nỗ lực, phấn đấu của bản thân mà còn nhờ sự tin tưởng, tạo điều kiện bồi dưỡng của Ban Giám hiệu nhà trường cũng như sự ủng hộ, giúp đỡ của toàn thể đồng nghiệp trong trường. Những thành tích đó không chỉ là thành tích cá nhân mà nó đã góp phần vào bề dày thành tích của nhà trường”, cô Hiền bày tỏ.

Động lực nào để giáo viên mầm non vững bước với nghề?
Cô Hiền cho biết thêm, nghề giáo viên mầm non chưa bao giờ là dễ dàng và cũng chưa được thấu hiểu một cách đúng đắn

Tuy nhiên, hành trình vững bước trên con đường nhà giáo chưa bao giờ là dễ dàng. Cô Hiền kể, quá trình giảng dạy các cháu mầm non tôi cũng gặp phải những khó khăn đến từ nhiều phía, từ xã hội và từ phụ huynh học sinh.

Trong xã hội, nghề giáo viên mầm non nhiều khi chưa được hiểu 1 cách đúng đắn và thường bị xem nhẹ là nghề “rửa mông” cho trẻ, cả ngày chỉ cho ăn, cho ngủ, vệ sinh… Nhiều phụ huynh còn chưa hiểu tính chất công việc của cô giáo, con đi học về chơi đùa với bạn, va quệt… không thể tránh khỏi những vết xước xát, bầm tím… có gia đình thấu hiểu thì không sao nhưng cũng có gia đình tỏ ra khó chịu và gây áp lực cho giáo viên.

Đứng trước những vấn đề đó, cô Hiền cố gắng luôn giữ cho mình tâm thế bình tĩnh để giải quyết vấn đề và đặt hết tâm tư nguyện vọng của mình thông qua các hoạt động cho trẻ. Khi thấy các con đi học vui vẻ, thích thú khi đến trường thì phụ huynh ngày càng thông cảm và thấu hiểu hơn cho những người làm nghề giáo.

Với định hướng của nhà trường là phát triển trẻ toàn diện thông qua các hoạt động trải nghiệm, cô Hiền đã luôn suy nghĩ, tìm tòi và áp dụng những hoạt động mới lạ cho trẻ tưởng "lạ mà quen", từ đó thu hút hứng thú của trẻ mỗi khi đến lớp.

Thời gian tới, cô Hiền cho biết sẽ tiếp tục nuôi dưỡng cảm xúc và tâm hồn của học trò thông qua các hoạt động nghệ thuật và mang tinh thần đó lan toả đến các lớp trong khối và toàn trường.


Tác giả:
Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 4/5 trong đánh giá
Chia sẻ:
Copyright © . Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình