Cán bộ quản lý, giáo viên quận Ba Đình tập huấn tại tagaytay city - Philippinnes

10/08/2023 693

Rời thành phố Manila, đoàn chúng tôi được các cô giáo của Học viện Seameo Innotech di chuyển đến Tagaytay để tiếp tục khóa học. Chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác bởi ở đây khung cảnh và thời tiết giống như Tam Đảo của Việt Nam vậy!

Nhưng điều thú vị của nơi này chính là chúng tôi được tận mắt chứng kiến núi lửa Taal được biết đến là núi lửa hoạt động mạnh thứ hai Philippinnes với 33 vụ phun trào được ghi nhận. Ở đây, chúng tôi trải nghiệm hòa mình vào thiên nhiên với khung cảnh tuyệt đẹp, thoát khỏi nhịp sống hối hả của thành phố trước khi quay lại Manila.

Khung cảnh núi lửa Taal – Tagaytay city.

Cô giáo Lê Thị Minh Huệ ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên núi lửa Taal.

Bảo tàng Museo Orlina nằm khiêm nhường bên con đường làng bao quanh núi lửa Taal - là nơi trưng bày các tác phẩm nghệ thuật của Ramon Orlina nổi tiếng quốc tế, người tiên phong và thực hành điêu khắc thủy tinh hàng đầu trong nước.

Toàn cảnh bảo tàng Muse Orline bên thiên nhiên Tagaytay.

Là một người có tầm nhìn xa trông rộng, Orlina nhìn xa hơn nguồn gốc của cặn thủy tinh công nghiệp và tái chế chúng thành những tác phẩm nghệ thuật ngoạn mục mà qua nhiều thập kỷ, đã làm lóa mắt giới nghệ thuật và được nhiều nhà sưu tập đánh giá cao.


Đoàn cán bộ quản lý, giáo viên quận Ba Đình học tập tại bảo tàng Muse Orlina.

Orlina đã chuyển đổi phương tiện thủy tinh bằng cách nâng nó từ nghệ thuật trang trí lên phẩm giá và sự tôn trọng của nghệ thuật tinh tế.


Tác phẩm “Waves of twilight” chạm khắc trên đá coban – 2013.

Một số tác phẩm được điêu khắc từ thủy tinh tại triển lãm Orlina.

Những thành tựu này và công việc tiên phong của ông trong lĩnh vực điêu khắc thủy tinh đã được Tổng thống Rocdrigo Roa Duterte ghi nhận khi trao trao tặng Huân chương Bằng khen Tổng thống danh giá cho Orlina vào năm 2021 vừa qua. Orlina tự hào được tham gia cùng với cô con gái tài năng Anna Orlina, người gần đây đã có buổi trình diễn đầu tay về các tác phẩm điêu khắc bằng thủy tinh. Giống như cha cô, Annna làm việc trên kính bằng phương pháp gia công nguội. Cô ấy chuẩn bị tiếp tục di sản tạo ra các tác phẩm điêu khắc bằng thủy tinh lấp lánh nhưng với phong cách và thiết kế riêng biệt của riêng mình.

Nghệ thuật đương đại hình thành và phát triển mở ra chiều hướng mới về không gian và cách nhìn cho nhiều nghệ sĩ muốn trải nghiệm, thực hành. Triển lãm trưng bày các tác phẩm của hai cha con trong và ngoài nước là dịp để ghi nhận sự nỗ lực của họ với sự phát triển của mỹ thuật Philippinnes, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của con người trong bối cảnh mở rộng giao lưu văn hóa. Chính vì vậy triển lãm của ông đã được thực hiện như chuỗi sự kiện ấn tượng, đồ sộ về số lượng tác phẩm, sự hoành tráng về bữa tiệc ánh sáng điêu khắc đương đại, khả năng sáng tác không mệt mỏi của người nghệ sĩ nặng lòng với cái đẹp tuyệt đích. Các tác phẩm trong triển lãm của Orlina đưa những tác phẩm điêu khắc theo hướng vĩ mô đa chiều, phóng đại về kích thước tạo sự choáng ngợp về cảm giác và không gian.

Toàn bộ không gian các tầng của căn nhà là nơi trưng bày đầy ắp các tác phẩm điêu khắc. Khoảng 50 bức tượng điêu khắc kim loại và tượng trong đó có những bức được làm từ những vật dụng như thìa, dĩa ăn cắt ghép, hàn… tạo nên sự choáng ngợp và thú vị.


Cô giáo Nguyễn Ngọc Anh – THCS Giảng Võ bên cạnh tác phẩm chế tác từ những vật dụng kim loại.

Với triết lý âm – dương, lấy tinh thần nghệ thuật vốn luôn chuyển biến, lấy con người làm trung tâm, tạo sự sáng tạo không ngừng nghỉ của nghệ sĩ, những tác phẩm điêu khắc ở đây biểu lộ những khát vọng và sức mạnh của con người Philippinnes.


Thầy giáo Vũ Đình Phương – Chuyên viên PGD Ba Đình thưởng thức tác phẩm “Cúp vĩnh viễn PBA”.


Chiếc cúp vĩnh viễn PDA được phóng to và đặt trang trọng tại trung tâm thành phố.

Một số tác phẩm được trưng bày ở ngoài trời với nhiều tầng, nhiều lớp lang từ thấp đến cao được bệ đỡ kiên cố, dọc, ngang cột trụ tạo thành rừng nghệ thuật điêu khắc rậm rạp, tái hiện không gian hư hư thực thực, không gian của nhân sinh, rực rỡ đầy màu sắc của cuộc sống, ở đó mỗi tác phẩm là một bản thể sống động đẹp đẽ và chân chính.

Triển lãm Muse Orlina nhìn từ ngoài vào.

Sự kết hợp của màu sắc, ánh sáng, âm thanh và không gian sắp đặt đưa người xem lạc vào một thế giới kỳ ảo mà ở đó nghệ thuật điêu khắc tỏa sáng, khẳng định nghệ thuật là con người và phản ánh con người xã hội Philippines.

Từ những tác phẩm điêu khắc đồ sộ, siêu thực được tạo từ những khối lồi, lõm, quằn quoại, thô ráp, nhẵn bóng… chứng minh sự đam mê và năng lượng nhiệt huyết sáng tạo nghệ thuật trong ông. Việc học tập, tiếp thu những bài học điêu khắc thế giới để ông có thể tự tin làm mới mình, làm mới tác phẩm của mình. Vì thế, các tác phẩm điêu khắc ấy khi va đập, tương tác với ánh sáng chúng bỗng trở nên huyền ảo, mỗi tác phẩm là sự mở rộng của góc nhìn từ chiều dọc truyền thống dân tộc đến những cánh tay dang rộng để đón chào tiếng nói của thời đại. Dù những khối, hình trên các tác phẩm điêu khắc ấy xù xì hay lồi lõm, quằn quoại hay mênh mang thì chúng cùng cất lên tiếng nói của chiếc đèn nghệ thuật hội nhập.

Trên con đường sáng tạo đa thức, họa sĩ Orlina đã biết vận dụng nét đẹp từ vòng tay triết học Á đông và trải nghiệm tâm tình qua bầu trời châu Âu mới mẻ để đưa ra những cảm thức về nghệ thuật đương đại. Đó là thứ nghệ thuật tươi mát giàu cảm xúc, chắt lọc sự giản đơn của ngôn ngữ hình thể, cháy mình trong kỹ thuật, chất liệu thủy tinh, kim loại, gỗ… rồi chắt chiu từ vẻ đẹp tinh thần dân tộc. Chính cái đẹp đã giúp họa sĩ Orlina trở thành nghệ sĩ của thời đại biết trao gửi những lao động hạnh phúc cho khát vọng yêu thương, cho tình yêu, tự do và trí cảm.

Bảo tàng Orlina mở cửa cho cho công chúng, nơi họ có thể xem những tác phẩm tuyệt vời về nghệ thuật của cha con Orlina cũng như các tác phẩm của các nghệ sĩ Philippines và quốc tế khác. Đây đúng là nơi Nghệ thuật và thiên nhiên đến với nhau.

Điểm dừng chân cuối cùng trong ngày hôm nay chính là ngôi nhà chung, một nơi thật sự thoải mái để chúng tôi học tập, sinh hoạt và cùng nhau chia sẻ trong những ngày sắp tới. Một không gian mà ai đặt chân đến cũng khó muốn rời đi. Bữa cơm tối cùng những thầy cô Philippinnes do chính các học viên trong đoàn tự tay nấu, đi chợ và chuẩn bị thực sự vui, ý nghĩa, mang đậm hương vị quê nhà và sự ấm áp của trái tim như chính đồng chí hiệu trưởng Owen – người khách mời đặc biệt đã chia sẻ. Hẹn gặp lại các bạn ở những trải nghiệm tiếp theo!

Bữa cơm ấm cúng do tập thể đoàn Ba Đình chuẩn bị


Tác giả: ThS. Phạm Thị Hạnh - Trường TH Hoàng Diệu
Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 5/5 trong đánh giá
Chia sẻ:
Copyright © . Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình