Thực hiện nhiệm vụ năm học 2024-2025, sáng ngày 29/11, Phòng GDĐT quận Ba Đình tổ chức chuyên đề cấp Quận học kỳ I năm học 2024-2025 môn Khoa học tự nhiên lớp 9 do cô giáo Trần Thị Thúy Hà (trường THCS Nguyễn Công Trứ) thực hiện.
Với mong muốn đem đến một tiết học thú vị, hấp dẫn giúp học sinh được phát triển các năng lực của bản thân, tiết học đã được dẫn dắt thành “Cuộc phiêu lưu kì thú - tìm kiếm kho báu bí ẩn” với ba chặng: Chuẩn bị hành trang - Truy tìm manh mối - Giải đố mật mã nhằm hướng dẫn học sinh khám phá, chinh phục những kiến thức bổ ích mang tính ứng dụng cao.
Ba chặng của tiết học tương ứng với ba nội dung bài học: nhắc lại kiến thức đã học về kính lúp; đặc điểm và ứng dụng của kính lúp; cách sử dụng kính lúp. Bài học có sự kết nối kiến thức xuyên suốt trong chương trình Khoa học tự nhiên cấp THCS - chương trình GDPT 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trong tiết học, học sinh tự tin, thể hiện năng lực chủ động nắm bắt lĩnh hội tri thức và tư duy sáng tạo độc đáo. Việc thành thạo ứng dụng công nghệ thông tin là công cụ giúp các em học sinh tự tìm tòi và phát hiện, hỗ trợ quá trình trao đổi và thảo luận khi làm việc nhóm cùng nhau. Và cô giáo Thúy Hà - người nắm vai trò của một thuyền trưởng trên hành trình kiếm tìm tri thức, người dẫn dắt, gợi mở để các em học sinh tư duy và phát hiện, từ đó đưa ra nhận xét để chốt lại kiến thức cho học sinh.
Kho báu cuối cùng các con tìm được đó là từ khóa “đôi mắt”. Thông qua thông điệp, học sinh sẽ nêu được biện pháp để bảo vệ đôi mắt của mình khỏe mạnh. Với nội dung và hình thức tổ chức dạy học thú vị, hấp dẫn và mang tính ứng dụng cao, tiết học đã để lại những ấn tượng sâu sắc đối với mỗi giáo viên tham dự.
Kính lúp là một trong những công cụ quang học cơ bản nhưng có rất nhiều ứng dụng trong đời sống. Việc hiểu được nguyên lý hoạt động của kính lúp không chỉ giúp các em học sinh phát triển tư duy khoa học mà còn giúp các em áp dụng vào các tình huống thực tế như tìm kiếm vật nhỏ trong cuộc sống hay hỗ trợ cho các công việc đòi hỏi độ chính xác cao. Nó còn là một công cụ khoa học, là “cánh cửa” mở ra thế giới của những chi tiết nhỏ mà chúng ta khó có thể nhận ra bằng mắt thường.
Cuối buổi chuyên đề, các giáo viên giảng dạy bộ môn Khoa học tự nhiên trên địa bàn quận đã cùng thảo luận và đưa ra những ý kiến, đúc rút kinh nghiệm và phương pháp giảng dạy thông qua tiết học. Buổi chuyên đề thành công đã không chỉ đem lại sự học hỏi, trau dồi chuyên môn mà còn lan toả việc áp dụng các phương pháp dạy học tích cực đến môn học khác trong việc thực hiện chương trình GDPT 2018.