Học sinh THCS Nguyễn Tri Phương (Quận Ba Đình) với chuyến du hành lịch sử “Từ mặt đất đến bầu trời”

15/12/2022 497

Chiều ngày 14/12, thầy và trò THCS Nguyễn Tri Phương đã có chuyến hành quân tới Hoàng thành Thăng Long để trở thành một trong những đoàn khán giả đầu tiên của Triển lãm “Từ mặt đất đến bầu trời” – hoạt động trong khuôn khổ chuỗi chương trình kỉ niệm 50 năm ngày Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” của Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long. Chương trình được tổ chức với sự phối hợp của Bảo tàng Chiến thắng B52, Cục Chính trị - Bộ tư lệnh Thủ đô và Ban liên lạc Cựu chiến binh trung đoàn 923.

Tham dự hoạt động này có nhà giáo Phạm Thị Hương Giang, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường; thầy Phạm Văn Lương, Tổng phụ trách Đội TNTP Hồ Chí Minh; cô giáo Ngô Thị Lan Anh, tổ phó tổ Xã hội phụ trách nhóm Lịch sử; thầy Phạm Văn Hướng, cựu quận nhân; các giáo viên dạy Lịch sử và đại diện Chi đoàn nhà trường. Đặc biệt vinh dự có mặt trong chuyến hành quân đầy ý nghĩa ấy là 48 học trò thuộc các khối lớp 6-7-8, đây là các đội viên tiêu biểu của Ban chỉ huy Liên đội và đại diện xuất sắc từ các lớp trong trường. Chuyến đi nằm trong kế hoạch tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”của ngành giáo dục và đào tạo quận Ba Đình năm 2022, nhằm tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong cán bộ, giáo viên và học sinh về chiến thắng lịch sử, có ý nghĩa thời đại, thể hiện sâu sắc ý chí độc lập, tự chủ, tự cường của dân tộc Việt Nam và truyền thống đánh giặc giữ nước vẻ vang của quân và dân ta, nhất là của quân chủng phòng không - không quân, của quân dân thủ đô Hà Nội, góp phần quan trọng đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đi đến thắng lợi.

Triển lãm “Từ mặt đất đến bầu trời” được thiết kế với các không gian trưng bày nối tiếp nhau, tạo thành một câu chuyện kể sinh động và vô cùng sáng tạo sau 50 năm về hành trình 12 ngày đêm quân và dân Hà Nội chiến đấu, chiến thắng cuộc không kích lịch sử của không lực Hoa Kì với những “pháo đài bay bất khả xâm phạm” B52. Từ chặng đầu tiên cho tới không gian cuối cùng, những du khách áo xanh đã trải qua những cảm xúc, hiểu biết thật quý giá và mới mẻ.

Câu chuyện kể được bắt đầu từ hầm tác chiến T1, khi phòng trưng bày dưới lòng đất vốn nhỏ hẹp thường ngày bỗng trở thành không gian diễn giải lịch sử “Hầm T1 trong đêm bão lửa”. Bằng hiệu ứng của hình ảnh và ánh sáng, thầy và trò THCS Nguyễn Tri Phương cùng sống lại những ngày tháng ác liệt và trải nghiệm cuộc sống thời chiến ngay tại căn hầm Sở chỉ huy tác chiến trong đêm đầu tiên Mỹ bắn phá Hà Nội. Hình ảnh tư liệu thực tế được trình chiếu trên tường, trên trần nhà; ánh sáng và tiếng chuông điện thoại liên tục trong cabin trực chiến của các tiêu đồ viên; tiếng họp khẩn, tiếng còi báo máy bay địch, tiếng loa phát thanh, cả tiếng máy bay gầm và bom đạn rít,… Tất cả tạo nên không gian thời chiến chân thực và sống động kì lạ. Sống động đến mức, dường như tất cả cùng vỡ òa xúc động khi tiếng báo máy bay B52 đầu tiên bị bắn hạ vang lên từ chiếc loa cũ kĩ; khi ở cuối chặng xuất hiện trên màn hình bầu trời xanh veo bình yên và tiếng hát trong vắt “Ta đi trên đường Hà Nội rực rỡ chiến công, đường thênh thang Ba Đình lịch sử …” Khác với các không gian triển lãm thông thường, hầm T1 - căn hầm nằm sâu trong Hoàng thành Thăng Long, là nơi đầu tiên tiếp nhận thông tin quân sự - hôm nay đã đem đến cho người xem một trải nghiệm khó quên.

Và câu chuyện lịch sử cứ thế tiếp tục đầy cảm xúc: Cuộc sống thời chiến với những chiếc hầm trú bom ngay trên đường phố Hà Nội năm xưa, Hà Nội không bất ngờ, Từ Tổng hành dinh đến các trận địa, Mặt đất lập công – Trên không chiến thắng, … Theo các hướng dẫn viên của Trung tâm bảo tồn di tích, triển lãm đã “phần nào giúp du khách khắc họa rõ nét hơn về cuộc chiến đấu, cuộc sống đầy gian khổ, hy sinh, nhưng cũng hết sức ngoan cường, bền bỉ và anh dũng của lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước, trong đó nòng cốt là Bộ đội Phòng không - Không quân, nổi bật là tinh thần chiến đấu dũng cảm, kiên cường của quân và dân Thủ đô”.

“Thăng Long phi chiến địa”. Song cũng đã không ít lần buộc phải đứng lên cầm súng, người Hà Nội vẫn sẵn sàng “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh” hay trả lời đanh thép “Nhà cửa có thể sập nhưng có một thứ không thể sập được đó là CON NGƯỜI”. 12 ngày đêm anh hùng thuở ấy đã tạo nên bước ngoặt quan trọng cho cuộc chiến; và ngày nay trở thành kí ức không phai trong lịch sử hiện đại của Hà thành. Đến với cuộc Triển lãm “Từ mặt đất đến bầu trời”, thầy và trò THCS Nguyễn Tri Phương đã có cơ hội đến với những bài học lịch sử địa phương thấm thía hơn bất kì một trang sách hay một giờ học lí thuyết nào.

Hiểu về lịch sử để biết ơn ông cha đã tận hiến hi sinh. Hiểu về lịch sử để trân trọng bầu trời hòa bình mình đang được thụ hưởng. Hiểu về lịch sử để biết sống sao cho xứng đáng. Và chính việc giáo dục truyền thống, giáo dục lòng yêu nước và tự hào dân tộc, giáo dục lòng biết ơn là cách trường THCS Nguyễn Tri Phương tìm đến các không gian lịch sử văn hóa trên chính đất Ba Đình lịch sử, để từ đó trao truyền cách sống Hiếu - Lễ - Nghĩa cho học sinh. Từ những hoạt động học tập trải nghiệm lịch sử tưởng như giản đơn nhưng đầy tâm huyết như vậy của người lớn, hi vọng những chuyến hành quân như thế sẽ được nối dài thêm, để hành trang của các công dân nhỏ tuổi Ba Đình bước vào ngày mai sẽ luôn có một phần trân trọng dành cho ngày hôm qua.

“HIỂU QUÁ KHỨ, CHỌN TƯƠNG LAI”. Hiểu trang sử hào hùng của chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” để ta không bao giờ lãng quên quá khứ, ý thức về trách nhiệm hơn trong hiện tại, tri ân NHỮNG NGƯỜI LÀM NÊN ĐẤT NƯỚC hôm nay.

Dưới đây là một số hình ảnh:


Tác giả: Ban truyền thông
Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 5/5 trong đánh giá
Chia sẻ:
Copyright © . Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình